Sân bay Tà Cơn
là tên gọi để chỉ một cụm cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong
những năm 1966-1968, nằm trong tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Địa danh này từng gắn
với nhiều sự tích liên quan đến chiến dịch giải phóng Khe Sanh năm 1968. Hiện
nay di tích nằm trên địa phận thôn Hòa Thành, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa; cách
huyện lỵ Hướng Hóa khoảng 3 km về hướng Đông - Bắc. Di tích đã được Bộ Văn hóa
– Thông tin xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 236/QĐ-BVHTT ngày 12/12/1986.
Ở vào vị trí gần
biên giới lại án ngự quốc lộ 9 nối từ Đông Hà (Việt Nam) đến Savannakhẹt (Lào),
Khe Sanh có một vị thế chiến lược khá lợi hại về quân sự không chỉ trên chiến
trường Quảng Trị mà còn cả miền Nam và cả khu vực Đông Dương.
Tướng Oét môlen
tư lệnh quân đội Mỹ tại miền Nam coi việc thiếp lập ở Khe Sanh một tập đoàn cứ
điểm quân sự như là một cái “ chốt cứng” có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến
lược phòng ngự, ngăn chặn ở phía Tây - Bắc chiến trường Trị Thiên; một “cái
neo” về phía Tây cho hệ thống phòng thủ chiến lược ở Nam Khu phi quân sự; biến
Khe Sanh thành một căn cứ tuần tra để ngăn chặn đối phương từ Lào sang và cũng
là căn cứ cho các hoạt động biệt kích nhằm “quấy nhiễu đối phương” dọc biên
giới Việt – Lào; đồng thời, sử dụng Khe Sanh thành một bàn đạp cho các cuộc
hành quân càn quét trên bộ, xây dựng ở đây một sân bay cho các máy bay trinh
sát kiểm tra, tìm diệt bộ đội chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam, chỉ điểm
cho các họat động đánh phá, ngăn chặn và cắt đứt các tuyến đường Hồ Chí Minh.
Cùng một loạt
căn cứ được xây dựng theo trục đường số 9 từ Đông Hà lên Khe Sanh, cụm cứ điểm
sân bay Tà Cơn được coi là một trong những khu trung tâm được xây dựng rất quy
mô chạy dài 2 km, rộng 1 km, gồm nhiều tiểu cứ điểm với công sự kiên cố, dày
đặc và một sân bay cỡ lớn làm nơi cất, hạ cánh cho các loại máy bay vận tải
quân sự hạng nặng như C130, C123, máy bay trực thăng chở quân và trực thăng vũ
trang. Bên cạnh đó một loạt căn cứ quân sự được xây dựng trên các hướng,
các điểm cao xung quanh như: Căn cứ biệt kích ở Làng Vây, điểm cao 689, 682,
845, 832, 1009 (Động Tri ) với khoảng 6.000 quân.
Với cách bố trí
như vậy, sân bay Tà Cơn cùng các cao điểm kế cận đã hình thành nên một thế
phòng ngự liên hoàn, cơ động được Mỹ - Ngụy coi là một vị trí “cứng” nhất trong
cả hệ thống tập đoàn cứ điểm Khe Sanh.
Thế nhưng trước
sức mạnh tiến công giải phóng Khe Sanh của Quân đội nhân dân Việt Nam, Tà Cơn
đã trở thành chiếc ghế điện đối với liên quân Mỹ - Ngụy. Ngày 26/6/1968,
quân Mỹ buộc phải mở đường máu rút khỏi Khe Sanh.
Chiến thắng Tà
Cơn góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của quân và dân ta ở mặt trận đường 9
Khe Sanh, đánh dấu sự bế tắc của Mỹ - Ngụy trong thế phòng ngự chiến lược đồng
thời thể hiện rõ trình độ phát triển cao của quân giải phóng về chỉ đạo chiến
lược, chiến thuật và tiến hành các chiến dịch tiến công quy mô lớn, dài ngày,
hợp đồng binh chủng chặt chẽ có hiệu quả. Tà Cơn - Đường 9 – Khe Sanh thực sự
trở thành những địa danh gắn liền với những chiến công đi vào lịch sử của dân
tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với thắng lợi ở mặt trận
Đường 9 Khe Sanh, quân và dân ta đã làm nên một sự tích phi thường là đánh bại
một lực lượng đồn trú tinh nhuệ, hiện đại đông hơn mình gấp nhiều lần, điều đó
chứng tỏ sức mạnh, tài nghệ và ý chí của quân và dân ta là vô địch trong đó thể
hiện nổi bật trí tuệ, tài thao lược Việt Nam đã vượt lên trên đối phương. Đồng
thời thấy rõ sự bế tắc trong chiến thuật, chiến lược của một đội quân nhà nghề
được trang bị hiện đại nhưng phi nghĩa của kẻ thù xâm lược. Thắng lợi này còn
chứng minh lòng quả cảm, trí thông minh, dám chấp nhận hy sinh, gian khổ;
sự cống hiến đáng tự hào cho cuộc kháng chiến vĩ đại của Đảng bộ, quân và
dân Quảng Trị nói chung, của quân và dân Hướng Hóa nói riêng, đánh dấu một bước
phát triển mới trong phong trào cách mạng giải phóng quê hương.
Sau chiến tranh,
căn cứ Tà Cơn dần dần bị phá hoại trước thời gian và con người. Từ năm 1998,
công cuộc trùng tu, tôn tạo được bắt đầu. Hiện nay trong khuôn viên di tích đã
có một nhà bảo tàng về Đường 9 – Khe Sanh; một số hầm hào, công sự được phục
dựng lại cùng với các hiện vật thể khối lớn như máy bay lên thẳng, đại bác, xác
xe tăng, máy bay, bom đạn các loại… được trưng bày để phục vụ nhu cầu tham quan
du lịch của khách tham quan trong và ngoài nước.
Cùng với di tích
nhà đày Lao Bảo, sân bay Tà Cơn Khe Sanh đang trở thành một điểm di tích thu
hút ngày càng đông du khách đến tham quan trong tuyến du lịch DMZ; là những địa
chỉ không thể bỏ qua cho những quý khách xa gần đến với lễ hội “Nhịp cầu
xuyên Á” lần thứ hai sẽ được tổ chức trong tháng bảy năm nay và trong các dịp
tổ chức lễ hội định kỳ về sau.
Nguồn:
quangtri.gov.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét