Di tích Quốc gia đặc biệt Ðôi bờ Hiền Lương – Bến Hải
Khu di tích đôi bờ Hiền Lương |
Ðôi bờ Hiền
Lương – Bến Hải là tên gọi cho một cụm di tích ở hai bên bờ sông Bến Hải tại
khu vực cầu Hiền Lương - nơi được coi là tâm điểm thể hiện cao nhất những vấn đề
lịch sử về một thời kỳ gần 20 năm chia cắt đau thương của hai miền Nam - Bắc,
và cũng là nơi chứng kiến cuộc đấu tranh bền bỉ, bi hùng của cả dân tộc ta
trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Cụm di tích này nằm ở điểm giao
nhau giữa đường Quốc lộ 1A và sông Bến Hải; phía Bắc thuộc thôn Hiền Lương, xã
Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh; phía Nam thuộc thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện
Do Linh; cách thị trấn Hồ Xá 7km về phía Nam và cách Thành phố Ðông Hà 22km về
phía Bắc.
Bến Hải là một
trong những con sông lớn của tỉnh Quảng Trị, nằm dọc trên vĩ tuyến 17 từ Tây
sang Ðông trên bản đồ Việt Nam. Tháng 7/1954, cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp của nhân dân ta thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève vào
ngày 20/7/1954, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng
chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước. Theo Hiệp định Genève, nước
Việt Nam tạm thời chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải chạy ngang
qua Do Linh và Vĩnh Linh) làm đường ranh giới quân sự tạm thời. Miền Bắc do
Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa quản lý. Miền Nam do quân đội liên hiệp
Pháp quản lý. Lực lượng hai miền sẽ tập kết ở cầu Hiền Lương. Sau hai năm sẽ tiến
hành hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất đất nước.
Giới tuyến quân
sự tạm thời được quy định từ phía Ðông sang phía Tây: từ cửa sông Bến Hải (Cửa
Tùng) và dòng sông đó đến làng Bồ Hồ Sừ, biên giới Việt - Lào. Ở đoạn giới tuyến
quân sự tạm thời trùng với sông Bến Hải, mỗi bên sẽ chịu trách nhiệm đặt ở những
địa điểm qua lại những dấu hiệu dễ thấy bằng hai thứ tiếng:“Giới tuyến quân sự
tạm thời”-“Lingne de démarcation millitaire provisoire”
Ranh giới khu
phi quân sự là những đường hạn định khu phi quân sự ở phía Bắc và phía Nam vĩ
tuyến 17, mỗi bên xa (cách vĩ tuyến 17) 5km. Việc gìn giữ trật tự, an ninh, thực
hiện quy chế khu phi quân sự (Demilitarized Zone-DMZ) do lực lượng công an và
nhân viên hành chính đảm nhiệm. Ngoài lực lượng công an và nhân viên hành
chính, nhân viên Ban Liên hiệp khu phi quân sự thì không một ai được ra vào khu
phi quân sự. Trên giới tuyến quân tạm thời có 10 điểm nhân dân hai miền được
phép qua lại, mỗi bên có một đồn công an (của ta), cảnh sát (của ngụy quyền miền
Nam) làm nhiệm vụ kiểm soát.
Vĩ tuyến 17, đường quy ước địa lý ấy bình thường
như tất cả mọi vĩ tuyến khác trên trái đất, nhưng từ khi nó được quy định là giới
tuyến quân sự tạm thời chia cắt hai miền Nam - Bắc thì không những đã thu hút sự
chú ý của quân và dân cả nước Việt Nam ta, và còn làm cho nhân dân cả thế giới
đều biết đến. Ðể xóa được đường ranh giới tạm thời ấy, con người Quảng Trị và cả
dân tộc Việt Nam đã phải đi qua cuộc trường chinh gần 20 năm với bao đau
thương, mất mát, hy sinh nhưng vô cùng oanh liệt trong cuộc chiến tranh giải
phóng chống lại đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai.
Ðôi bờ Hiền
Lương – Bến Hải từ trong cuộc đấu tranh thần thánh chống Mỹ cứu nước của dân tộc
Việt Nam đã trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và rạng ngời chủ nghĩa
anh hùng cách mạng trong cuộc đấu tranh vì khát vọng thống nhất đất nước. Khu vực
đôi bờ cầu Hiền Lương – Bến Hải là di tích đã được Bộ VHTT xếp hạng quốc gia
theo Quyết định số 235/VH-QÐ ngày 12 tháng 12 năm 1986 ; Thủ tướng Chính phủ xếp
hạng di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định Số 2383/QĐ-TTg ngày 09 tháng 12
năm 2013.
Do đặc điểm lịch
sử nên di tích này kéo dài trên một chiều dài gần 15km. Hệ thống này bao gồm
nhiều địa điểm với nhiều hạng mục như : cầu, cột cờ, giàn loa phóng thanh, nhà
liên hợp, đồn bốt, hầm hào, đường giao thông…và các địa điểm từng diễn ra những
sự kiện lịch sử tiêu biểu ở hai bên bờ giới tuyến. Trong phạm vi của di tích đã
được xếp hạng, cụm di tích Ðôi bờ cầu Hiền Lương chỉ tập trung phản ánh các di
tích sau :
Là chiếc cầu bắc
qua sông Bến Hải nối liền quốc lộ 1A ở km 735. Vào năm 1928, chính quyền phủ
Vĩnh Linh huy động dân hai bờ để xây dựng một chiếc cầu đầu tiên. Cầu làm bằng
cọc sắt, mặt lát ván gỗ, tải trọng chỉ đủ cho khách bộ hành. Năm 1931, chính
quyền Pháp cho sửa chữa lại nhưng cũng chỉ dùng cho người đi bộ và các phương tiện
giao thông nhẹ, xe cộ muốn qua sông phải đi bằng phà.
Năm 1950, Pháp
cho xây một cây cầu mới bằng bê tông cốt thép, đủ tải trọng cho xe cơ giới vận
tải qua cầu và tồn tại gần hai năm thì bị du kích ta đặt bộc phá đánh sập để
ngăn chặn việc vận chuyển binh lính và các phương tiện chiến tranh của lính
Pháp.
Tháng 5/1952,
Pháp cho xây lại cầu Hiền Lương với chiều dài 178m, có 7 nhịp, trụ bằng bê tông
cốt thép, thân cầu bằng thép, mặt cầu lát bằng ván gỗ thông. Ðây là cây cầu diễn
ra nhiều sự kiện lịch sử trong giai đoạn hai miền chia cắt. Cây cầu tồn tại được
15 năm, đến năm 1967 thì bị bom Mỹ đánh sập.
Trong những năm
từ 1954 - 1967, tức là thời kỳ mà nhân dân hai miềm còn có thể qua lại dưới sự
kiểm soát của lực lượng cảnh sát liên hợp thì cây cầu được chia làm hai nửa: một
nửa phía Bắc do công an giới tuyến của miền Bắc quản lý, một nửa phía Nam do cảnh
sát ngụy quyền miền Nam quản lý. Theo nhà văn Nguyễn Tuân trong bài bút ký “Cầu
ma” thì: Cầu chia làm hai phần (mỗi bên có độ dài 89m) sơn hai màu khác nhau. Bờ
Bắc gồm 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam 444 tấm.
Cầu Hiền Lương
- biểu tượng trực tiếp của nỗi đau chia cắt Bắc – Nam và khát vọng thống nhất
non sông. Trong suốt 18 năm chia cắt, chiếc cầu là nơi diễn ra cuộc đấu tranh
giằng co, bền bỉ, liên tục và không kém phần ác liệt về chính trị, tư tưởng giữa hai bên. Cũng trong
suốt thời gian đó, biết bao tấm gương anh dũng đã hy sinh để bảo vệ cầu, bảo vệ
miền Bắc Xã hội chủ nghĩa. Cầu Hiền Lương mãi mãi đi vào tiềm thức của nhân dân
Việt Nam như một minh chứng hùng hồn cho nỗi đau chia cắt và cuộc đấu tranh vì
khát vọng thống nhất đất nước.
Theo quy định của
Hiệp định Genève, tất cả các đồn công an ở giới tuyến đều có cờ treo lên hàng
ngày. Ðể giương cao lá cờ - biểu tượng chủ quyền, ý chí, sức mạnh của nhà nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 10/8/1954, cột cờ đầu tiên được dựng ở bờ Bắc,
giữa sân nhà A và B đồn công an Hiền Lương. Cột cờ làm bằng gỗ, cao 12m, trên đỉnh
treo lá cờ bằng vải sa tanh đỏ rộng 24m2. Cột cờ thứ hai cũng bằng gỗ cao 18m,
lá cờ rộng 32 m2. Việc nâng chiều cao cột cờ và bề rộng lá cờ là một cuộc chạy
đua liên tục giữa chính quyền hai phía. Ngay sau khi bờ Bắc dựng cột cờ bằng gỗ
cao 18m thì ở bờ Nam, chính quyền Ngô Ðình Diệm cho dựng một trụ cờ bằng xi
măng cốt thép cao 30m. Trên đỉnh treo một lá cờ lớn, có hệ thống đèn nêông nhấp
nháy đủ màu. Ngày 19/7/1957, Khu ủy Vĩnh Linh cho dựng cột cờ bằng thép ống cao
32m, trên đỉnh có gắn một ngôi sao bằng đồng có đường kính 1,2m, năm đỉnh ngôi
sao gắn một chùm bóng điện (15 bóng) loại 500W, lá cờ rộng 108 m2. Chính quyền
Sài Gòn lại tôn cột cờ ở bờ Nam lên 35m. Năm 1962, Chính phủ ta điều một đơn vị
xây dựng chở vật liệu từ Hà Nội vào xây dựng một cột cờ cao 38,6m bằng thép ống.
Cách đỉnh 10m có một cabin dùng để chiến sĩ ta thu cờ và treo cờ. Lá cờ lúc này
có kích thước 9,6m x 4m = 134m2.
Ðể cho cột cờ -
biểu tượng của dân tộc đứng vững dưới mưa bom bão đạn nhằm động viên cổ vũ nhân
dân ta trong cuộc đấu tranh sinh tử với Mỹ - ngụy, các chiến sĩ đồn công an Hiền
Lương đã ngoan cường chiến đấu bảo vệ cờ. Cùng với nhân dân Vĩnh Linh, các chiến
sĩ ta đã đào 18km đường hào, xây 48 ụ súng phòng không xung quanh khu vực cầu
Hiền Lương; đặc biệt, biết bao tấm gương cảm động của nhân dân vùng giới tuyến
đã không ngại gian khó, hy sinh để thực hiện những nghĩa cử cao đẹp cho lá cờ tổ
quốc luôn tung bay như: mẹ Nguyễn Thị Diệm đã thức trắng bao đêm để vá cờ dưới
làn mưa đạn trong hàng chục năm trời.
Theo quy định của
Hiệp định Genève, dọc bờ giới tuyến có 4 đồn Liên hợp ở 4 địa điểm: Hiền Lương,
Xuân Hòa, Cửa Tùng và Cát Sơn. Lực lượng bố trí ở mỗi đồn không quá 20 người,
trang bị gồm có súng ngắn và tiểu liên bộ binh. Lực lượng công an, cảnh sát này
làm nhiệm vụ giữ gìn quy chế vùng phi quân sự, kiểm soát người qua lại giới tuyến,
kiểm soát lẫn nhau trong việc thực thi các điều khoản Hiệp định và được đặt dưới
sự giám sát của tổ chức Quốc tế 76 (gồm đại diện Canada, Ấn Ðộ, Ba Lan).
Nhà Liên hợp (tức
nhà A) được xây dựng kiên cố từ năm 1955. Kiến trúc theo kiểu nhà sàn 4 mái với
bộ khung bằng thép, tường gạch, xi măng, nền lát bằng gỗ, mái lợp ngói, có hệ
thống cửa kính, cửa chớp, kích thước nhà 12m x 6m. Vị trí nhà ở phía Ðông quốc
lộ 1A, lệch 150 với tâm đường. Ðây là nơi giao ban, làm việc giữa cảnh sát và
công an hai bờ, nơi tiếp xúc, giải quyết khiếu nại giữa lực lượng kiểm soát với
tổ chức Quốc tế.
Ðồn công an giới
tuyến (tức nhà B và C) là nơi lực lượng công an giới tuyến ăn ở, sinh hoạt. Hai
nhà này hợp với nhà A tạo thành một khu nhà hình chữ U. Nhà B có diện tích 10 x
5m, làm bằng gỗ, lợp tranh, vách trát toóc xi dùng làm nơi sinh hoạt, hội họp nội
bộ. Nhà C có diện tích 12m x 4m, kết cấu và vật liệu giống như nhà B dùng làm nhà
ăn, kho hậu cần, quân nhu.
Từ đây, để bám
trụ chiến đấu bảo vệ cờ, bảo vệ cầu, các chiến sĩ công an giới tuyến đã đào 2 hầm
chữ A để ở. Hai hầm này tồn tại đến ngày 30/2/1973. Giữa năm 1973, ta cho dựng
lại 2 ngôi nhà B và C làm nơi ở, làm việc cho các chiến sĩ công an. Sau ngày đất
nước thống nhất, hai ngôi nhà này đã bị tháo dỡ để làm trường học và rạp hát.
Phía bờ Nam, ngụy
quyền Sài Gòn cũng cho xây dựng một đồn cảnh sát cùng với một hệ thống đồn bốt
với những lô cốt, tháp canh và chi chít hàng rào dây kẽm gai. Từ năm 1967, những
công trình quân sự trong khu vực này hầu như đã bị phá hủy hoàn toàn.
Trong cuộc đấu
tranh liên tục và bền bỉ giữa ta và địch ở giới tuyến thì truyền thanh đã góp
phần rất quan trọng nhằm đáp ứng nhiệm vụ đấu tranh chính trị, giáo dục, tuyên
truyền, động viên các tầng lớp nhân dân vững tin vào sự nghiệp giải phóng dân tộc,
thống nhất đất nước. Trên lĩnh vực này, sự đối đầu giữa hai bên diễn ra căng thẳng
và rất quyết liệt trong đó có việc chạy đua về kỹ thuật âm thanh, về nội dung
và hình thức tuyên truyền. Chính vì thế, một hệ thống loa phóng thanh ở bờ Bắc
đã ra đời.
Hệ thống loa được
bố trí thành 5 cụm (Bến đò tùng Luật - Tân Mỹ - Hiền Lương và 2 cụm ở Vĩnh
Sơn), trên một chiều dài 1.500m, tập trung ở những tụ điểm đông dân cư, mỗi cụm
gồm một trụ có gắn 40 loa công suất từ 25 đến 250W. Tổng công suất của 5 cụm cố
định này hơn 7000W. Ngoài ra còn có một số loa bổ sung khi cần thiết, một loa lớn
có công suất 500W (đường kính vành loa rộng đến 1,7m) đặt trên xe cơ động để
đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền dọc bờ sông. Ðể cung cấp điện cho hệ thống loa có
công suất lớn này, một đường dây cao thế 6KVA dài hơn 40 km đã được kéo từ Vĩnh
Sơn đến Tùng Luật. Tất cả các giàn loa này được tăng âm bởi trạm cao tần đặt tại
Liêm Công phường (Vĩnh Thành), cách cầu 2,5km về phía Bắc.
Có thể nói từ
năm 1954 - 1965, hệ thống loa phát thanh ở bờ Bắc sông Bến Hải đã đóng góp một
phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chính trị giữa ta và địch trên trận tuyến
hai bên bờ Bến Hải.
Ðến năm 1965, hệ
thống loa phóng thanh cả hai bờ Nam - Bắc không còn hoạt động nữa. Cuộc chiến bằng
loa phóng thanh buộc phải nhường chỗ cho cuộc chiến đấu quyết liệt bằng bom đạn.
Năm tháng đã đi
qua, chiến tranh đã lùi về quá vãng, vết thương chia cắt đất nước giờ đã liền sẹo
và đi cùng với nó là sự xóa nhòa những dấu tích oanh liệt một thời. Dẫu vậy, thời
gian tuy có nghiệt ngã đến mấy thì cũng không thể nào xóa được tiềm thức về một
quá khứ hào hùng của nhân dân ta ở hai bờ Bến Hải. Cụm di tích Ðôi bờ Hiền
Lương là một bằng chứng sống động nhắc nhở chúng ta và hậu thế mai sau về một
thời chia cắt, một thời bi hùng đã qua.
Với ý nghĩa lịch
sử và giá trị nổi trội của di tích, cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đã
được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ VHTT & DL) chọn đầu tư từ năm 2002 đến
năm 2008. Nhiều hạng mục quan trọng của đôi bờ đã được phục dựng, tôn tạo như :
Chiếc Cầu sắt lịch sử 1952 ; Cồng Chào bờ Bắc ; Đồn Công An giới tuyến ; Nhà Hiệp
thương ; Kỳ đài bờ Bắc ; Nhà Trưng bày Vĩ tuyến 17 ; Tháp Canh bờ Nam ; Cụm tượng
đài Khát vọng thống nhất ; cùng nhiều hạng mục hạ tầng, cây xanh cảnh quan di
tích khác.
Hiền Lương - Bến
Hải đã trở thành một địa chỉ, một điểm đến không thể thiếu trong các tour du lịch
của tỉnh, khu vực và cả nước, như các tour: “Thăm lại chiến trường xưa và đồng
đội”; tour du lịch vùng phi quân sự DMZ, tour du lịch “Hành lang kinh tế Đông
Tây”...
Từ khi khu di
tích đưa vào khai thác, sử dụng, hàng năm cứ đến ngày 30 tháng 4 tỉnh Quảng Trị
tổ chức “Ngày hội thống nhất non sông”. Lễ hội được tổ chức cấp Quốc gia vào
năm tròn nhân kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
(30/04/1975) thu hút hàng chục ngàn người tham gia, với nhiều hoạt động phong
phú, hấp dẫn, càng làm sống động cho khu di tích, làm sống lại những giá trị
truyền thống lịch sử, văn hoá của một vùng đất, khẳng định những giá trị lịch sử
mà dân tộc Việt Nam đã khắc ghi trong trang sử đấu tranh giành độc lập, thống
nhất và toàn vẹn lãnh thổ hình chữ S này.
Bài; Ảnh:
Nguyễn Văn Dương
http://dulich.quangtri.gov.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét