BÀN VỀ CHUYỆN VĂN HÓA ĐỌC

Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách đóng vai trò hết sức quan trọng: Là chiếc chìa khóa vạn năng, mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người; là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh. Có thể nói sách chính là người bạn tâm giao chia sẽ mọi nỗi vui, buồn sâu kín của mỗi con người và đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người trên thế giới.
Chúng ta đang xây dựng xã hội học tập, học bằng nhiều cách, nhiều con đường tiếp cận khác nhau, nhưng có một con đường nhanh nhát, đầy đủ nhất, hấp dẫn nhất, lý thú nhất đó là đọc sách.
Đánh giá cao tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc sách trong kỳ họp thứ 28 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Pari (25/10-16/11/1995) Unessco – tổ chức văn hóa giáo dục khoa học liên hiệp quốc đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm làm ngày sách và bản quyền thế giới.
Trong gần 20 năm qua đã có trên 150 quốc gia hưởng ứng và tổ chức lễ kỷ niệm ngày sách với nhiều hoạt động thiết thực sôi nỗi, thu hút hàng trăm triệu lượt bạn đọc tham dự.
Được sự đồng ý của BGĐ Sở VH,TT&DL, Thư viện tỉnh tổ chức ngày hội tôn vinh văn hóa đọc và giới thiệu trụ sở mới của thư viện – một thiết chế văn hóa quan trọng được lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng vừa được hoàn thành đưa vào sử dụng và trở thành một trung tâm văn hóa đọc, một địa chỉ văn hóa quy mô, an khang, hiện đại để phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, học tập của đông đảo bạn đọc khắp nơi trong tỉnh. Đồng thời hưởng ứng và thực hiện quyết định số 89/QĐ-TTG ngày 09/01/2013 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập” và theo đó Chính phủ cũng giao cho Bộ VH,TT&DL tham mưu xây dựng đề án thành phần: “Xây dựng xã hội học tập trong các thiết chế thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” giai đoạn 2012-2020.
Thế giới đang mở ra, nước ta đang hội nhập, một xã hội văn minh trước hết xã hội ấy phải là một xã hội có nền tảng tri thức vững chắc. không có tri thức làm nền tảng khó có sự phát triển bền vững.
Hiện nay, trước sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông đại chúng và các tiện ích xã hội như báo điện tử, truyền hình, internet… tưởng chừng như không còn chổ cho việc đọc sách, người đọc không còn hứng thú với sự đọc… không thể phủ nhận sự đa dạng, phong phú, tiện ích của tri thức do mạng thông tin hiện đại đưa đến cho con người nhưng trên một phương diện nào đó, đó cũng chỉ là những kiến thức cập nhật, thời sự. Muốn có kiến thức nền tảng, kiến thức gốc, ngoài việc học tập trong nhà trường chúng ta còn phải học từ những trang sách. Cố nhiên, trong xã hội hiện đại mối quan tâm của con người không chỉ có sách, bên cạnh sách có các loại báo chí, truyền hình, phim ảnh và nhiều hình thức nghe nhìn khác. Nhưng tất cả những phương tiện nói trên, cho dù phát triển mạnh mẽ đến đâu vẫn không thay thế được văn hóa đọc.
Bởi chỉ trên cơ sở đọc mới có thể bồi bỗ được một hệ thống kiến thức, mới có thể nâng sự hiểu biết lên mức thấu đáo, nắm bắt vấn đề sâu sắc và tạo tác dụng mạnh, ngấm sâu vào tư duy, làm thay đổi phát triển tư duy con người.
Người Nhật Bản họ tiếp nhận thông tin hiện đại trước chúng ta rất lâu, nhưng hiện tại họ vẫn xem việc đọc sách là nhu cầu tự thân, như cơm ăn, nước uống hàng ngày, họ đọc sách ở mọi nơi, mọi lúc trên tàu điện, xe buýt, nhà ga… bình quân 1 năm 1 người Nhật đọc trên 20 cuốn sách. Các nước trong khu vực châu Á bình quân một người một năm đọc 10 cuốn sách trở lên. Malaysia, nước láng giềng chúng ta, tốc độ phát triển nhiều mặt chưa thật cao, nhưng bình quân một người đọc 5 cuốn sách/năm. Hiện chính phủ Malaysia đang phát động chiến dịch đọc sách trong toàn dân, kêu gọi toàn xã hội cùng tham gia hướng dẫn học sinh, sinh viên đọc sách, đề ra kế hoạch, chỉ tiêu đọc sách cho người dân trong năm, quyết tâm đuổi kịp và vượt Nhật Bản về số người đọc sách trong những năm tới.
Đối với chúng ta, đã từ lâu Đảng, nhà nước rất quan tâm, chăm lo đến việc phát triển nền văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa đọc nói riêng. Ngay từ năm 2004, chỉ thị số 42/CT-TW của Ban bí thư Trung ương Đảng đã chỉ rõ: “Chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân, tổ chức và phát triển các lực lượng, mạng lưới phát hành, xuất bản phẩm đáp ứng đầy đủ đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi. Đến năm 2010 phấn đấu đưa sách đến cấp huyện, và sách đến đến phần lớn các xã để đạt chỉ tiêu 6 bản sách/người/năm. Tập trung cũng cố và phát triển hệ thống thư viện, các loại phòng đọc, trước hết là ở cơ sở”. Và từ hàng chục năm nay, thục hiện chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ về văn hóa trong đó có lĩnh vực thư viện. Bộ VH,TT&DL, UBND tỉnh cũng đã đầu tư hàng năm hàng trăm triệu đồng cho việc hình thành tủ sách, thư viện ở các huyện miền núi và các xã thôn vùng sâu, vùng xa. Đến nay đã có gần 100 tủ sách và phòng đọc sách báo trên địa bàn tỉnh, chưa kể hệ thống thư viện, tủ sách chuyên môn của các ngành các cấp.
Tuy nhiên, hiện tại văn hóa đọc của chúng ta chưa phát triển mạnh; chưa tạo thành một thói quen, một mỹ tục hàng ngày. Hầu hết các chuyên gia văn hóa, nhiều nhà giáo dục, nhà xuất bản sau khi đã làm các cuộc khảo sát, thăm đò ý kiến dư luận rộng rãi đều có chung nhận xét: Nước ta chưa có thói quen đọc sách, việc đọc sách hiện nay không tăng cùng tốc độ phát triễn của xã hội, mà còn có nguy cơ giảm sút. Nếu loại trừ những người đọc sách do nhu cầu bắt buộc phục vụ trong lĩnh vực chuyên môn hẹp của mình, thì số người đọc sách nhằm nâng cao kiến thức về mọi phương diện rất ít. Hiện nay, trong ngày hội này, có quý đại biểu, quý thầy cô, quý phụ huynh và bạn đọc, hẵn chúng ta ít nhiều cũng thấy một thực trạng rằng không chỉ với xã hội mà ngay trong nhà trường – nhất là các trường đại học – cao đẳng tình trạng đọc sách khó có thể nói là lạc quan, trong khá đông học sinh – sinh viên, cá biệt có bạn sinh viên 4 năm học ở trường không đọc thêm một cuốn sách nào, ngoài giờ học ở lớp và mỗi kỳ thi chỉ lấy thông tin làm bài thi qua mạng, trong lúc đó ngoài giờ lên lớp thì thời gian rỗi là quá lớn.
Tiến sĩ Thái Kim Lan việt kiều tại Đức sau khi đi khảo sát tham quan, nghiên cứu 1 vòng suốt chiều dài đất nước, đã có một nhận xét ít nhiều gây cho chúng ta chạnh lòng, nhưng cũng phải nhìn nhận một sự thật: “Mỗi khi bước chân ra đường, nhìn thấy thanh niên đông chật trong quán cà phê ở khăp 3 miền, ngay cả Huế nữa; tôi rất buồn. Hình như họ không có đủ tri thức, để kiểm soát hành vi sống của mình, họ biến mình thành người nhàn rỗi”.
Thấy rõ thực trạng như vậy để chúng ta cùng nhau có được những giải pháp, phương pháp thiết thực, cụ thể khuyến khích các em đọc sách ở chính từ thư viện trường, các thư viện công cộng, làm cho việc đọc sách của các em trở thành một hoạt động thường xuyên, một nhu cầu tự thân của chính các em từ đó chúng ta động viên, khuyến khích, tuyên truyền phổ biến nhân rộng văn hóa đọc ra toàn xã hội.
Làm tốt được điều đó có rất nhiều việc phải làm và phải được sự quan tâm của toàn xã hội với nhiều giải pháp thiết thực, theo chúng tôi cần có những giải pháp như:
* Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện công tác quy hoạch, hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến phát triển văn hóa đọc.
* Nâng cao nhận thức của người dân về vai trò ý nghĩa của việc đọc sách.
* Xây dựng một nền giáo dục thực học
* Tăng cường đầu tư về nguồn lực – cơ sở vật chất kỹ thuật cho các thư viện, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động mở rộng đa dạng hóa các dịch vụ thư viện.
* Nâng cao chất lượng các xuất bản phẩm
* Xây dựng chương trình giáo dục kỹ năng đọc trong môi trường truyền thống và điện tử.
* Đẩy mạnh công tác xã hội hóa
* Mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế
Về phần mình, những người làm công tác thư viện, công tác phục vụ bạn đọc, chúng tôi luôn tự thấy thẹn với chính chức nghiệp của mình mỗi khi bạn đọc đếnvới chúng tôi ít, sách báo bổ sung hàng năm chỉ để lưu giữ trong kho, không phát huy hết tác dụng phục vụ. Do vậy, chúng tôi luôn trăn trở làm thế nào và bằng cách nào để nguồn lực sách báo, kho tri thức ấy không chỉ để chồng chất mà phải luôn luôn đến được với nhu cầu nghiên cứu học tập của đông đảo độc giả.
Hiện ở thư viện chúng tôi có trên 150.000 bản sách, trên 160 loại báo, tạp chí; phân bố ở các phòng đọc chức năng: phòng đọc tổng hợp, phòng mượn về nhà, phòng đọc thiếu nhi, phòng báo tạp chí, phòng nghiên cứu địa chí địa phương, phòng tra cứu tài liệu quý hiếm, web site thư viện; trong năm 2014 được sự giúp đỡ tài trợ của quỹ Bill- Gate sẽ đầu tư xây dựng hệ thống phòng đọc Internet từ tỉnh, huyện đến cơ sở với hàng trăm máy tính và hàng chục phòng đọc, cùng với hệ thống thư viện huyện thị, thư viện trường học, thư viện các ngành và hệ thống thư viện, tủ sách cơ sở, tủ sách dòng họ, tạo nên một hệ thống thư viện rộng khắp để tổ chức mạng lưới đọc và tuyên truyền quảng bá cho văn hóa đọc.
Những năm trước đây, khi đang còn tác nghiệp ở trụ sở cũ, hàng năm chúng tôi chỉ cấp mới từ 300-400 thẻ bạn đọc, hàng ngày đón tiếp từ 40-50 lượt bạn đọc đến nghiên cứu học tập. Nhưng từ đầu năm 2013 đến nay khi về tác nghiệp ở trụ sở mới, thư viện tỉnh đã cấp trên 600 thẻ bạn đọc, hàng ngày đón tiếp từ 80-100 lượt bạn đọc, chúng tôi cho đây là một tín hiệu khởi sắc, đáng mừng. Nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là những con số đang còn rất khiêm nhường, ít ỏi. Chúng tôi luôn đặt ra chỉ tiêu: ở môi trường tác nghiệp như thế này hàng năm phải cấp trên 1000 thẻ bạn đọc, hàng ngày phải đón tiếp từ 200-300 lượt bạn đọc đến thư viện, có như thế mới phát huy tốt công năng của một thư viện tỉnh, xứng đáng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh nhà. CBVC thư viện luôn hứa quyết tâm, đoàn kết gắn bó, phát huy hết năng lực chuyên môn, ton trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của quý bạn đọc, nâng cao văn hóa phục vụ, tạo cho thư viện tỉnh và hệ thống thư viện công cộng trong toàn tỉnh trở thành những trung tâm văn hóa đọc thân thiện, lý thú, bổ ích, đóng góp phần trách nhiệm chuyên môn của mình để văn hóa độc trở thành công việc thường xuyên, một nhu cầu tự thân và là một mỹ tục của người Quảng Trị trong thập niên xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2012-2020.
Trong những năm qua, thư viện tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo, đầu tư của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành, sự ủng hộ, giúp đỡ của các ngành, sự hỗ trợ góp ý, chia sẽ của đông đảo bạn đọc. Nhân ngày hội tôn vinh văn hóa đọc hôm nay, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo đầu tư của lãnh đạo tỉnh, sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ của các sở, ban ngành để được xây dựng hệ thống thư viện điện tử tạo cho thư viện tỉnh có 2 hệ thống đọc: Thư viện truyền thống và thư viện điện tử. Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, hội nhập và phát triển ngang tầm với hệ thống thư viện công cộng trong khu vực và cả nước, thu hút được đông đảo mọi đối tượng, bạn đọc đến nghiên cứu học tập tại thư viện tỉnh. Góp phần ngày càng nâng cao văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh.

      Lê Hào

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét